Biển Đông phủ bóng đối thoại chiến lược Mỹ-Trung

Tình hình biển Đông và việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo chắc chắn sẽ nằm trong chương trình nghị sự đối thoại chiến lược Mỹ-Trung. Ảnh: IHS Janes
Tình hình biển Đông và việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo chắc chắn sẽ nằm trong chương trình nghị sự đối thoại chiến lược Mỹ-Trung. Ảnh: IHS Janes
TP - Các quan chức ngoại giao và tài chính hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại cuộc đối thoại thường niên Mỹ-Trung về chiến lược và kinh tế lần 7 bắt đầu hôm nay (22/6) tại Washington.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew sẽ gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, thảo luận hàng loạt vấn đề nổi cộm giữa hai cường quốc. Trung Quốc đặc biệt xem trọng cuộc đối thoại lần này như màn dạo đầu cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình tháng 9 năm nay.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng gọi đây là cơ hội để “thúc đẩy những tiến bộ mới trong việc xây dựng một mô thức quan hệ nước lớn kiểu mới”, hãng thông tấn Xinhua đưa tin.

Theo AP, quan hệ Mỹ-Trung trở nên sóng gió những tháng gần đây. Việc Trung Quốc ồ ạt bồi lấp hơn 2.000 mẫu đất trên các bãi đá và rạn san hô ở biển Đông đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cộng đồng quốc tế về tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh. Washington nói rằng, việc Bắc Kinh tiếp tục xây đảo và quân sự hóa biển Đông có thể châm ngòi tranh chấp lãnh thổ phức tạp với các nước láng giềng.

“Chẳng ai có lợi nếu xảy ra xung đột ở đây… Đây chính là lý do tại sao cuộc gặp gỡ Mỹ-Trung tuần này quan trọng đến thế”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cuối tuần qua gọi kế hoạch của Trung Quốc tiếp tục mở rộng xây dựng các cơ sở trên các điểm yêu sách chủ quyền ở biển Đông là hành động gây bất ổn. Ông nhấn mạnh rằng, các nguyên tắc tự do hàng hải, hàng không đang bị đe dọa. “Cả tuyên bố và hành vi đó đều không góp phần làm giảm căng thẳng. Chúng tôi luôn thúc giục Trung Quốc ngừng cải tạo, không xây dựng thêm các cơ sở và tất nhiên không quân sự hóa thêm các tiền đồn trên biển Đông”, ông Russel nói.

Tranh cãi vấn đề tin tặc

Báo South China Morning Post (Hong Kong) đưa tin, tại cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ-Trung Quốc lần thứ 7, các quan chức Mỹ cũng sẽ nêu bật vấn đề nhân quyền, gây sức ép với Trung Quốc về chính sách tiền tệ hiện nay cũng như vấn đề bầu cử dân chủ ở Hong Kong. An ninh mạng cũng là một chủ đề tranh cãi gay gắt hai nước cần phải thảo luận, trong bối cảnh hacker mới đây đánh cắp thông tin cá nhân của 14 triệu viên chức Mỹ đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu.

Chính quyền Mỹ tin rằng, Trung Quốc chịu trách nhiệm về các vụ tấn công mạng, đánh cắp thông tin quân sự và tình báo cá nhân. Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này và nói rằng mình cũng là nạn nhân của các vụ tấn công mạng.

Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về số lượng rào chắn thường trực tại Trung Quốc ngày càng tăng, bất chấp ông Tập Cận Bình hứa thúc đẩy cải cách kinh tế. Quá trình đàm phán hiệp định đầu tư song phương được Mỹ-Trung nhất trí hai năm trước tiến triển rất chậm.

Trung Quốc được cho là đã đưa ra một danh sách dài các lĩnh vực muốn đóng cửa. Mỹ nói không loại trừ khả năng một ngày nào đó sẽ gia nhập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á do Trung Quốc khởi xướng. Trước đó, Washington luôn phản đối vì đây được coi là đối thủ cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới do Mỹ lãnh đạo và Ngân hàng Phát triển châu Á do Nhật Bản lãnh đạo.

Cả Mỹ và Trung Quốc những ngày gần đây tỏ ra muốn làm dịu bớt căng thẳng ở biển Đông trước chuyến công du tới Mỹ vào mùa thu năm nay của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Giáo sư Jin Canrong thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng, quan hệ Trung-Mỹ đã chín muồi, đạt tới điểm cả đôi bên có thể nói rõ quan điểm của mình, kể cả những xung đột lợi ích chủ chốt.

MỚI - NÓNG